Hình ảnh ông đồ.

Ông đồ già
Hình ảnh ông đồ
Hình ảnh ông đồ

            Nói đến mùa xuân thật thiếu xót khi người yêu văn học nước nhà  không nhắc đến tác phẩm “Ông đồ”của nhà thơ Vũ Đình Liên. Tác phẩm là tiếng lòng của nhà thơ về sự thay đổi của xã hội với hình ảnh ông đồ từ một người được trọng dụng, kính nể trở thành một người dưng. Hình ảnh ông đồ trở nên xót xa biết bao trong từng câu chữ mà nhà thơ gửi gắm. Xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Khi nền văn hóa tư tưởng phương Tây được du nhập thì nền Hán học và chữ Nho đã dần dần mất đi vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc. Những nhà nho, thầy đồ từng là trung tâm của đời sống văn hóa, được cả xã hội tôn vinh trọng dụng, ngợi ca thì nay đã dần trở nên lạc lõng, dần chìm vào quên lãng. Cảm được điều đó, nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết bài thơ “Ông đồ”. Bài thơ là tiếng lòng của ông kí thác tâm tư, bộc lộ sự thương cảm chân thành với một lớp người trong xã hội. Đồng thời thể hiện sự tiếc nuối của ông trong cảnh cũ người xưa về giá trị văn hóa một thời giờ đã vang bóng.

        Ở hai khổ thơ đầu  chính là thời kì thịnh vượng của nền văn hóa Hán học.

Đó là thời đắc ý, vàng son lên ngôi của ông đồ, ông trở thành trung tâm của nền văn hóa giáo dục đương thời. Ông đồ trong thời kì hoàng kim như một chất keo gắn kết con người với nền văn hóa bao đời cha ông truyền lại.

                                 “Mỗi năm hoa đào nở
                                   Lại thấy ông đồ già
                                   Bày mực tàu giấy đỏ
                                   Bên phố đông người qua.”

        Cụm từ “Mỗi năm … lại thấy”  chính là tín hiệu của sự lặp lại, là năm nào cũng thế, cứ khi hoa đào nở rộ chính là thời khắc của ngày hội xuân về trên khắp mọi miền tổ quốc. Hình ảnh ông đồ với “bút nghiên, mực tàu, giấy đỏ” lại xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường quê hương. Chính vì vậy ông đồ cùng với hoa đào đã trở thành sứ giả truyền thông trong tiềm thức của mỗi người. Khi đó, mọi người dân đều náo nức, vui tươi xuống phố người  qua kẻ lại tấp nập đợi xem ông đồ viết chữ.

        Câu đối là thứ không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền Việt Nam, nó trở thành nét đẹp văn hóa.

Tự xa xưa cha ông ta vẫn truyền nhau câu ca “ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh”, cho thấy chữ Nho cũng là giá trị cổ truyền của dân tộc cùng với những sản vật của thiên nhiên. Và sự xuất hiện của ông đồ  góp thêm sự đông vui tấp nập, không khí ngày tết chính là thời kì thịnh vượng của nền Hán học bao đời.

                         “Bao nhiêu người thuê viết
                           Tấm tắc ngợi khen tài
                           Hoa tay thảo những nét
                           Như phượng múa rồng bay.”

       Trong tiềm thức của nhà thơ ông đồ hiện lên như một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Từng  nét chữ vuông vắn tươi tắn lần lượt được in lên giấy đỏ trong bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ trở thành tuyệt tác “phượng múa rồng bay“. Cái tài trong nghệ thuật viết chữ của ông được người đời công nhận “người thuê viết –  tấm tắc ngợi khen”. Tâm hồn ông đồ cũng như nét chữ của ông như là sự hòa nhập vào không khí vui tươi ngày tết.

       Tuy nhiên thời kì hoàng kim của ông đã dần dần khép lại, thời thế thay đổi ông rơi vào tình cảnh thất thế. Thiên hạ náo nức đón xuân, đón cả luồng gió mới do Tây học mang lại,  và thành trì luân lí ngàn năm đã đổ vỡ ngay trước mắt. 

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nơi đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
    Mực đọng trong nghiên sầu.”

       Từ “nhưng” được đặt ở đầu khổ thơ. Cách lựa chọn từ ngữ của nhà thơ thật tài tình độc đáo, từ “nhưng” ở đây giống như một cánh cửa của hai thời kì trước và sau, thịnh và suy, hoàng kim – thất thế. Hoa đào thì vẫn nở, đường phố thì vẫn đông người qua lại và ông đồ vẫn ngồi đó, nhưng  cảnh đã cũ người đã trở thành người xưa”Người thuê viết nơi đâu?”. Câu hỏi tu từ thể  hiện tâm trạng của ông đồ bẽ bàng, buồn tủi . Nỗi buồn không chỉ ở ông mà đã thấm sang cả những vật dụng vô tri vô giác “giấy đỏ buồn, mực đọng”. Nghệ thuật nhân hóa làm nổi bật nỗi buồn tủi bẽ bàng giấy buồn không được thắm, mực lâu ngày không được dùng không có người thuê viết mực đọng lại nỗi sầu thời thế.

                             “Ông đồ vẫn ngồi đấy,

                               Qua đường không ai hay,

                               Lá vàng rơi trên giấy;

                              Ngoài trời mưa bụi bay.”

         Xã hội, thời thế thay đổi khi chữ quốc ngữ ra đời không ai còn ngó ngàng gì đến ông đồ.  Mọi người đã thờ ơ, lạnh nhạt và không ai còn quan tâm tới ông đồ. Ông trở nên trơ trọi, lạc lõng, tiều tụy, đáng thương giữa dòng đời tấp nập, gợi lên cảnh buồn sự tàn phai. Cái tàn của lá rơi, tàn của mực đó là nỗi buồn tê tái của lòng người, là “cơn mưa tê tái của ông đồ”.

        Khung cảnh, lòng người, không khí tết đối lập với hình ảnh cô đơn của ông đồ như vang lên rồi reo vào lòng người một nỗi buồn trống trải. Đặc biệt tác giả sử dụng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình điêu luyện, hiện lên nỗi đau buồn xót xa trong tâm hồn của một ông đồ thất thế. Ông đồ trở thành “di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh thật tinh tế khi nhận xét: “Bài thơ là sự gặp gỡ giữa hai nguồn thi cảm: lòng thương người và tình hoài cổ!”. Nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh đã thể hiện một cái nhìn sâu sắc về nguồn cảm hứng trong nghệ thuật thi ca của Vũ Đình Liên.   

        Bài thơ khép lại với một lời tâm tư, chứa đầy sự suy ngẫm, day dứt của nhà thơ với đời.

“Năm nay đào lại nở,
         Không thấy ông đồ xưa.
               Những người muôn năm cũ
   Hồn ở đâu bây giờ?”

           Kết cấu đầu cuối tương ứng, cách xưng hô “ông đồ già” được thay bằng “ông đồ xưa” gợi lên lòng thương cảm tiếc nuối sâu sắc. Hoa đào vẫn nở nhưng ông đồ đã vắng bóng, cũng như ông những người yêu mến chữ nho “người muôn năm cũ” giờ cũng đã trôi dạt về phương nào?. Câu hỏi tu từ cuối bài dâng lên một niềm hụt hẫng, trống trải đến ngơ ngẩn, tiếc nuối đến khắc khoải trong lòng nhà thơ về ông đồ, hay chính là sự phai tàn mai một của nét đẹp văn hóa dân tộc đã đi vào dĩ vãng.

        Dường như mượn hình ảnh ông đồ và sự thay đổi của thời cuộc nhà thơ như muốn gửi gắm thông điệp đến với mọi người như một lời nhắc nhở khéo léo của thi nhân về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong hôm nay và mãi mãi mai sau!. Vượt qua khuôn khổ nội dung câu chữ trong tác phẩm, câu hỏi tu từ cuối bài thơ chính là câu hỏi nhức nhối đang trỗi dậy trong tâm trí của một nhà trí sĩ đương thời.

         Bài thơ “Ông đồ” khép lại với sự ngậm ngùi khôn xiết trong lòng người đọc, không những thế hình ảnh ông đồ cũng trở thành niềm ám ảnh thật lớn đối với người đọc về giá trị văn hóa của dân tộc qua bao đời nay. Bài thơ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa nhân đạo mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn và một tinh thần dân tộc rất đáng trân trọng.

Những ngày cận Tết. Osaro muốn cùng bạn quay trở về tuổi thơ với bài thơ “Ông đồ”, bài thơ ý nghĩa về không khí tết cổ truyền dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *